Tóm tắt: Một báo cáo mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho thấy cộng đồng khoa học đang bắt đầu thay đổi quan điểm của họ về việc chỉnh sửa gene
Mối quan tâm lớn nhất của các chuyên gia là việc chỉnh sửa gene có thể sẽ được sử dụng để tạo ra những đứa trẻ theo ý muốn.
CHỈNH SỬA GENE
Kể từ khi cuộc tranh luận về những hậu quả đạo đức đằng sau CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeat) bắt đầu, lập trường của cộng đồng khoa học thường thận trọng hơn khi quyết định ủng hộ. Tuy các nhà nghiên cứu nhận ra được tiềm năng nhưng việc chỉnh sửa gene và những hệ lụy của nó đối với tương lai của nhân loại là quá lớn.
Nhưng mới đây, ở một báo cáo của Viện Khoa học Quốc gia (NAS) cho thấy cộng đồng khoa học đang bắt đầu thay đổi quan điểm của họ về vấn đề này. Đồng chủ tịch của Ủy ban nghiên cứu Alta Charo chỉ ra rằng:
Chỉnh sửa bộ gene của con người hứa hẹn rất nhiều cơ hội để mở rộng hiểu biết, cách điều trị hoặc ngăn ngừa sự hủy hoại của nhiều căn bệnh di truyền và ở cả nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, chỉnh sửa bộ gen để nâng cao các đặc tính hoặc khả năng vượt quá mức sức khoẻ bình thường sẽ làm tăng mối quan tâm về nghi vấn liệu những lợi ích đem lại có thể vượt trội hơn những rủi ro và về tính bình đẳng nếu chỉ một số người được thay đổi bộ gene. Đồng chủ tịch Ủy ban và điều tra viên Viện Howard Hughes, ông Richard Hynes nói rằng: “Nghiên cứu chỉnh sửa gene là một nỗ lực quốc tế và tất cả các quốc gia cần đảm bảo rằng bất kỳ ứng dụng lâm sàng tiềm năng nào cũng phản ánh giá trị xã hội, phải chịu sự giám sát và điều chỉnh thích hợp”. Ngoài ra, giáo sư Daniel K. Ludwig chuyên nghiên cứu về ung thư tại Viện Công nghệ Massachusetts cũng cho rằng: "Những nguyên tắc tổng thể và những trách nhiệm xuất phát từ chúng phải được phản ánh trong cộng đồng khoa học của mỗi quốc gia và các quy trình pháp lý”.
NHỮNG RỦI RO VÀ VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC KHÓ XỬ
Mối quan tâm lớn nhất được đưa ra đối với việc chỉnh sửa gene dựa trên khả năng thực tế là nó sẽ được sử dụng để tạo ra các em bé theo ý muốn. Hiện nay, tất cả các nỗ lực tập trung vào việc sử dụng CRISPR để ngăn ngừa bệnh di truyền. Nhưng liệu ai có thể nói rằng những nguyên tắc tương tự sẽ không được áp dụng để xây dựng các đặc điểm như sức mạnh, vẻ đẹp hoặc trí tuệ.
Một số quan điểm cho rằng có nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu áp dụng tiến bộ này như nếu chỉ có một số người có quyền tiến gần đến phương pháp này trong tương lai thì liệu nó có thể tạo ra sự chia rẽ xã hội giữa những đứa trẻ được tạo ra theo ý muốn và những đứa trẻ sinh ra một cách tự nhiên không? Và trong một số những trường hợp hiếm gặp, CRISPR chỉnh sửa DNA ở những vị trí ngoài dự định có thể gây hậu quả không lường trước được.
Tất nhiên rằng chúng ta vẫn còn khá lâu để tiến gần hơn với một đứa trẻ được tạo ra theo ý muốn. Vì ở thời điểm hiện tại, kỹ thuật chỉnh sửa gene vẫn đang được thử nghiệm trên động vật và sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, nghiên cứu trước khi sẵn sàng áp dụng cho loài người. Nhưng đây không phải là lý do để nói rằng chúng ta không nên có một cuộc trò chuyện về những gì mà tiến bộ này sẽ đưa chúng ta đến.
Huỳnh Thanh Thảo
Nguồn: Futurism, Nytimes, NAS,Reuters
0 comment: