Nhật Ký Công Nghệ Sinh Học

   Bằng cách sử dụng “giao diện” não bộ- máy tính, các nhà nghiên cứu đã tạo cơ hội cho bệnh nhân, những người bị suy yếu tứ chi nghiêm ...

LOẠI “MÁY TÍNH ĐỌC NÃO BỘ” MỚI CHO PHÉP NHỮNG NGƯỜI BỊ LIỆT GIAO TIẾP BẰNG CÁCH SỬ DỤNG SUY NGHĨ CỦA HỌ


   Bằng cách sử dụng “giao diện” não bộ- máy tính, các nhà nghiên cứu đã tạo cơ hội cho bệnh nhân, những người bị suy yếu tứ chi nghiêm trọng, có khả năng đánh máy 39 kí tự đúng trong vòng một phút, nổi bật hơn bất kì thử nghiệm nào khác.
   Từ những hệ thống mang tính đột phá cho phép người bị liệt đi lại, cho đến hệ thống khôi phục thị lực ở người mù, những tiến bộ lớn đang được thực hiện trong lĩnh vực BCIs.

ĐÁNH MÁY BẰNG SUY NGHĨ

   Các nhà nghiên cứu từ đại học Stanford đã sáng chế ra giao diện não bộ- máy tính (BCI- Brain computer interface) cho phép người bị liệt đánh máy bằng não bộ với tốc độ nhanh hơn phiên bản trước đây. Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học làm việc với 3 bệnh nhân bị suy yếu tứ chi nghiêm trọng, 2 người là do mắc bệnh Gehrig và 1 người do bị chấn thương tủy sống nên phải hạn chế vận động. Cả 3 bệnh nhân được gắn điện cực vào não để ghi lại các tín hiệu từ vỏ não motor cortex, vốn là thứ điều khiển các cử động của cơ bắp. Một dây cáp sau đó sẽ truyền tải tín hiệu não đến máy tính, và các tín hiệu này được dịch ra bằng thuật toán điểm- và- nhấp (point- and- click) làm di chuyển con trỏ chuột qua các kí tự. Về cơ bản, các bệnh nhân đã có thể di chuyển con trỏ chuột bằng cách tưởng tượng ra cử động của bàn tay họ.

   Trong khi cần tập một thời gian, các đối tượng đã có thể đạt được kết quả BCI xuất sắc hơn bất kì phiên bản nào hiện có. Một bệnh nhân có thể đánh máy 39 kí tự chính xác trong 1 phút, nghĩa là khoảng 8 từ trong 1 phút, chứng tỏ rằng BCI có tiềm năng củng cố sự giao tiếp của những người bị suy yếu vận động. Chú ý là tốc độ đánh máy này đạt được mà không sử dụng chức năng hoàn thành từ tự động.

   “Màn thực hiện thực sự thú vị. Chúng tôi đạt được một tốc độ giao tiếp mà sẽ rất có ích với những người bị liệt cánh tay và bàn tay. Đó là một bước quan trọng để tạo ra các thiết bị phù hợp sử dụng trong thế giới thực,” Chethan Pandarinath, một trong những tác giả của bài báo, nói với Stanford.

BCIS ĐANG TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN

   Sự đóng góp của đội ngũ Stanford trong việc nâng cao khả năng của con người để điều khiển máy móc chỉ bằng suy nghĩ phản ánh sự tiến bộ đang diễn ra trong lĩnh vực này.

   Góp phần vào sự đột phá này, một nhóm đến từ Wyss Center for Bio and Neuroengineering ở Geneva, Thụy Sĩ, đã xây dựng BCI có thể giải mã suy nghĩ của những người mắc hội chứng nhốt trong tiềm thức (complete locked- in syndrome)*, cho phép họ trả lời những câu hỏi có hoặc không. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Harvard đang dùng công nghệ BCI để khôi phục thị lực cho người khiếm thị.

   Chỉ riêng ở Mỹ, có hàng triệu người bị liệt, một số người vì các căn bệnh thoái hóa như ASL và một số khác thì vì những tai nạn không may mà bị chấn thương tủy sống nghiêm trọng. Phương pháp “điểm- và- nhấp” được phát triển ở Stanford này có thể là chìa khóa để tạo ra hệ thống BCI hiệu quả hơn nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nó có thể khôi phục khả năng giao tiếp của họ trong khi những đội ngũ tương tự ở Center for Sensorimotor Neural Engineering (CSNE) đang tìm cách sử dụng BCI để giúp người bị liệt đi lại được.

   Với một vài cải tiến, đội ngũ tin rằng hệ thống có thể được sử dụng cho những thiết bị khác, bao gồm cả smartphones hay máy tính bảng. “Chúng ta đang dần tiếp cận được một nửa đoạn đường, ví dụ, tôi có thể đánh máy trên cả điện thoại di động,” nhà giải phẫu thần kinh và đồng tác giả cao cấp ở đại học Stanford, Jaimie Henderson, nói với tờ Scientific American. “Nghiên cứu này báo cáo tốc độ nhanh nhất và độ chính xác cao hơn gấp 3 lần so với những gì được thể hiện trước đây.” Trong tương lai, đội ngũ hi vọng sẽ cải thiện công nghệ, và hệ thống sẽ trở thành không dây, được cấy ghép hoàn toàn, và tự điều chỉnh, nhờ đó sẽ có thể hỗ trợ con người cả ngày lẫn đêm.

Người dịch: Lê Thanh Hà
Tác giả: June Javelosa
 Nguồn: Futurism

*Complete locked- in syndrome: hội chứng nhốt trong tiềm thức. Chỉ những người hoàn toàn tỉnh táo về mặt nhận thức, nhưng cơ thể bị liệt gần như toàn bộ, chỉ chuyển động được mắt, và vẫn hiểu được mọi chuyện diễn ra xung quanh. Người mắc hội chứng này không phải là người sống thực vật, mặc dù 2 nhóm người này thường bị nhầm lẫn. Sống thực vật chỉ người vừa thoát khỏi hôn mê nhưng không tỉnh hẳn mà rơi vào trạng thái mê man, không phản ứng/ hiểu những gì diễn ra xung quanh.

0 comment: