Nhật Ký Công Nghệ Sinh Học

Tóm tắt: Các nhà khoa học đang phát triển những vật liệu linh hoạt dùng để in 3D mạch máu và trị bệnh cho những trẻ bị dị tật mạch máu....

CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐANG TÌM CÁCH IN 3D MẠCH MÁU ĐỂ CHỮA CHO TRẺ EM BỊ BỆNH



Tóm tắt: Các nhà khoa học đang phát triển những vật liệu linh hoạt dùng để in 3D mạch máu và trị bệnh cho những trẻ bị dị tật mạch máu. Nhóm đã nhận được khoản trợ cấp 211.000$ từ NIH cho việc làm của mình.

SỰ THẦN KÌ TRONG Y HỌC: IN 3D

   Kể từ khi được giới thiệu, kỹ thuật in 3D đã càn quét cả thế giới như một cơn bão. Từ việc làm ảnh hưởng ngành công nghiệp thời trang tới việc làm rung chuyển ngành xây dựng nhà cửa truyền thống, in 3D đã tạo một con đường cho chính nó chen chân vào xã hội hiện đại.

   Ngay cả cộng đồng y học cũng đang phát sốt với kỹ thuật mới này, ví dụ như Viện sức khỏe quốc gia NIH ( National Institutes of Health) đã trao tặng một khoản trợ cấp nghiên cứu và phát triển trị giá 211.000$ cho một kỹ sư ở đại học Texas, Arlington để phát triển vật liệu in 3D và tạo ra mạch máu mới cho trẻ em. Kỹ sư Yi Hong, hợp tác với Guohao Dai ở đại học Northeastern, đang đặt mục tiêu vào việc chiến đấu chống lại căn bệnh khiếm khuyết mạch máu ở trẻ em. Trẻ em khó chữa hơn người lớn nhiều vì cơ thể các bé phát triển nhanh hơn bất kì cơ quan cấy ghép nào, cũng có nghĩa là các bộ phận cấy ghép cần được thay thế liên tục bằng rất nhiều các cuộc phẫu thuật xâm lấn(1).

   Về vấn đề này, bộ đôi kỹ sư sinh học (Hong và Dai) đang cố gắng tạo ra một loạt vật liệu in 3D và có thể chuyển thành mạch máu của một bệnh nhân cụ thể. Những vật liệu này có thể được trộn với tế bào người để tạo ra một vật cố định giữa các mạch máu sinh học. Độ đàn hồi của loại mạch máu này có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của những em bé mắc bệnh khiếm khuyết mạch máu- những em bé hiện đang phải làm vô số ca phẫu thuật xâm lấn cho một bộ phận cấy ghép. Loại mạch máu in này cũng có thể làm giảm rủi ro bị chứng huyết khối mạch máu(2) so với cấy ghép truyền thống.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIỀM NĂNG

   Có rất nhiều chứng bệnh liên quan đến bất thường trong mạch máu gây ảnh hưởng đến trẻ em. Một số ví dụ bao gồm phình mạch- những chiếc túi hình thành trên động mạch não; dị tật động tĩnh mạch- mạch máu ở não và tủy sống rất mỏng và dễ bị vỡ; và bệnh moyamoya- một chứng bệnh ngăn chặn lưu lượng máu truyền lên não vì động mạch chính bị nghẽn. Những căn bệnh này có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, co giật và thậm chí hôn mê. Với phương pháp điều trị hiện có, việc chữa trị cho những bé mắc bệnh khiếm khuyết mạch máu còn rất khó khăn; nhưng nếu dự án của Hong có thể hoàn thành, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

   Hong rất có niềm tin vào dự án của mình, và nhà tài trợ từng gây quỹ đến 850.000$ cho dự án trong quá khứ của ông sẽ tiếp tục hỗ trợ cho dự án này. Phương pháp của Hong đầy tham vọng, nhưng tiềm năng thành công của ông sẽ tiếp tục củng cố vai trò của phương pháp in 3D trong y học, khuyến khích các nhà khoa học y tế khác suy nghĩ sáng tạo hơn trong lúc giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

1: Phẫu thuật xâm lấn, còn được biết đến dưới tên gọi “phẫu thuật lỗ khóa”, là phương pháp phẫu thuật thông qua những vết mổ nhỏ. Phương pháp này hướng đến mục đích đạt được kết quả lâm sàng tương đương như khi sử dụng phương pháp phẫu thuật mổ mở thông thường, và đồng thời giảm thiểu chấn thương mô mềm – điều không thể tránh khỏi trong những kỹ thuật thông thường.
2: Huyết khối mạch máu, là sự tắc nghẽn tĩnh mạch do sự xuất hiện của những cục máu đông. Bệnh khá phổ biến ở các nước phương Tây, và khoảng 0.1% dân số thế giới mắc bệnh này.

Tác giả: Neil C. Bhavsar
Người dịch: Lê Thanh Hà
Nguồn: Futurism

0 comment: